Di Tích Đình Làng Khuê Bắc Ở Đà Nẵng
Đình Khuê Bắc (Đình làng Khuê Bắc Đà Nẵng) là một trong những ngôi đình cổ nhất tại khu vực quần thể di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, tại làng đá mỹ nghệ non nước của thành phố du lịch Đà Nẵng. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ngôi làng Khuê Bắc đã chịu nhiều hư hại, phá hủy bởi thời gian, nhưng những câu chuyện lịch sử và kiến trúc cổ kính cùng những giá trị văn hóa của ngôi làng vẫn còn sống mãi, luôn là niềm tự hào của người dân Non Nước. Ngày nay, Vườn đình Khuê Bắc trở thành một di tích lịch sử văn hóa quan trọng của Đà Nẵng. Đây cũng là mảnh đất mà các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Việt nối tiếp nhau phát triển.
Đình làng Khuê Bắc được công nhận là Di tích Lịch sử – văn hoá cấp thành phố tại Quyết định số 9726/QĐ-UBND ngày 14/12/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Đình làng Khuê Bắc có vị trí tại phường Hòa Hải, nằm cạnh núi Thổ Sơn, phía trước đình cổ này là sông Cổ Cò. Địa chỉ: Bùi Thế Mỹ, Hoà Hải, Quận Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng.
Theo kết quả khảo sát và nghiên cứu, mảnh đất tại đình làng Khuê Bắc đã có dấu tích của người Sa Huỳnh với nền Văn hóa Sa Huỳnh sinh sống cách đây khoảng 3000 năm, là dấu tích của con người đầu tiên tại vị trí này. Sau đó, là những dấu tích của Văn hóa Chăm Pa, người Việt cho đến tận bây giờ.
Theo người địa phương cho biết, nhân dân sinh sống trong làng đã nhiều lần xây dựng, trùng tu lại đình trong lịch sử. Cho đến đời vua Đồng Khánh (năm 1885 – 1888), đình làng cổ đã được xây mới lại bằng các vật liệu gạch và đá. Ngôi đình đã gắn liền với đời sống văn hóa – tinh thần & trải qua nhiều cuộc chiến tranh dân tộc của người dân nơi đây.
Cho đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngôi đình đã bị địch tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, với những hình ảnh còn lại dưới đây, cũng có thể hình dung lại một thời kỳ bề thế, hoành tráng và tôn nghiêm của một ngôi đình lớn, nằm giữa vùng đất thiêng, với truyền thống văn hóa dân tộc hàng ngàn năm.
Kiến Trúc Đình Cổ Khuê Bắc
Đình Khuê Bắc có mặt tiền hướng ra Tây Bắc, nhìn về hướng sông Cổ Cò, có kiến trúc 5 gian, 4 mái, dài 14,37m – rộng 10,65m.
Tường đình làm bằng gạch, dày từ 30-40cm, có mái lợp ngói âm dương.
Phần tiền đình có kiến trúc kiểu mái vòm cuốn, hai cửa phụ nằm hai bên đình là lối đi vào 2 lầu chiên, trống. Xưa kia, đình làng Khuê Bắc có tượng hai con rồng chầu bằng đá và 12 cây thị được trồng hai bên đình.
Trên mí các cửa đình đều được trang trí hoa văn lá cúc dây. Mái của hai lầu chiên, trồng được xây dựng cao hơn, với bốn góc uốn cong.
Hậu tẩm là ban thờ chính, thờ Thành hoàng bổn xứ. Tả ban, hữu ban thờ các vị tiền bối có công.
Đình làng Khuê Bắc gắn chặt với nhiều thời kỳ kháng chiến của dân tộc
Trước năm 1945, trong thời chiến của dân tộc, đền cổ Khuê Bắc được sử dụng làm nơi liên lạc, hội họp của các cán bộ chiến sĩ cách mạng. Trong Cách mạng tháng Tám, nơi đây là địa điểm tập hợp lực lượng quần chúng đi cướp chính quyền. Khi phong trào “Bình dân học vụ”, đình làng Khuê Bắc cũng là nơi tổ chức các lớp học.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi đình đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Hình Ảnh Vườn Đình Làng Khuê Bắc Sau Khi Được Trùng Tu
Sáng ngày 23/10/2015, UBND phường Hòa Hải long trọng tổ chức Lễ Khánh thành Đình Làng Khuê Bắc, sau khi thực hiện đại trùng tu, tôn tạo theo dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng“.
Một số hình ảnh mới của Vườn đình làng Khuê Bắc sau trùng tu, tôn tạo mới:
Di Chỉ Khảo Cổ Học Vườn Đình Khuê Bắc (Văn hóa Sa Huỳnh tiền Chăm Pa)
Hiện nay, vườn đình làng Khuê Bắc tại Đà Nẵng trở thành một điểm Di chỉ khảo cổ học. Địa điểm Vườn đình Khuê Bắc phát hiện hai tầng văn hóa sớm muộn. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân và điều kiện, tầng văn hóa Chăm sớm bị phá hủy nặng nề. Tầng văn hóa dưới thuộc giai đoạn Sơ kỳ kim khí – Tiền Sa Huỳnh với tính chất di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng
Tham khảo:
- http://baotangdanang.vn/
- nguhanhson.danang.gov.vn
- http://baotangdanang.vn/dinh-khue-bac.html